Diễn trò

Chương 36: Còn quan tâm là còn thương


Biên tập: Bột

Sau những chuyện trong quá khứ kia, đánh bậy làm bạ cũng tới ngày hôm nay. Cậu Tư còn đang hồi tưởng, một con bọ bay về phía đèn sân thượng chợt sượt qua mũi, kéo anh khỏi những hồi ức kia.

Đêm đã khuya, hai người vẫn ở trên sân thượng. Hôm nay trời không rõ sao, nhưng họ vẫn không nỡ rời xa nơi mát mẻ này. Cậu Tư hít vào một hơi, lúc này khiến anh nhớ đến thời cấp ba trộm bia nhập khẩu với bạn, chạy đến uống ở bãi tập. Đêm hè mát lạnh mang theo hương sen, có lẽ là gió đưa từ hồ sen bên kia tới. Cận Tiêu nằm trong lòng anh đã hơi buồn ngủ, lúc này đang nhắm mắt nghỉ ngơi. Thi thoảng có côn trùng nhỏ đậu trên cành cây rồi lại nhẹ nhàng bay lên, tiếng ve đã ong ong từ sớm, tựa như tiếng chuông trung thành nhất của mùa hè này vậy.

Một đêm hè như vậy trong thời loạn quả là nhàn nhã một cách hiếm có, hay đó cũng chính là sự bừng tỉnh sau giấc mộng, chẳng hay nước tan nhà mất hay núi sông còn sót lại chút hơi tàn. Trong lịch sử chiến tranh nhân loại, từ Achilles (1) đến Ludendorff (2) đều đã trải qua bao đêm tối, ít nhiều cũng có cái gọi là “hôm nay có rượu hôm nay say” (3). Ngay cả đất Bắc này cách dinh thự nhà họ Nhan vài trăm dặm đường cũng có hoa cỏ, ca múa bình an đến thế, như thể mỗi vong quốc thấp giọng khéo léo, nép mình trong nơi hẻo lánh của lịch sử lụi tàn khiến người ta khó thấy, nhưng lại vô cùng muốn thấy một lần.

(1) Trong thần thoại Hy Lạp, Achilles là nhân vật trung tâm và là chiến binh vĩ đại nhất của quân Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troia, nhắc đến nhiều nhất trong sử thi Iliad. Những tích truyện về sau (bắt đầu với một bài thơ của Satius khoảng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên) mô tả Achilles có một cơ thể không thể bị thương ngoại trừ gót chân của anh. Achilles đã chết vì bị thương ở gót chân, từ đó có câu thành ngữ “gót chân Achilles” thường dùng để nói về điểm yếu của mỗi người.

(2) Erich Friedrich Wilhelm Ludendorff (9 tháng 4 năm 1865 – 20 tháng 12 năm 1937) là một tướng lĩnh và chiến lược gia quân sự quan trọng của Đế quốc Đức. Ông được xem là nhà lãnh đạo tiêu biểu nhất của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918), trở thành vị anh hùng chiến tranh của nước Đức thời đó. Ngoài ra, ông cũng là cộng sự ban đầu của lãnh đạo Đảng Quốc xã Adolf Hitler

(3) “Hôm nay có rượu hôm nay say” là một câu nói nổi tiếng trong «Tự Khẩn» của La Ẩn thời nhà Đường. Cả câu bao gồm: “Được thì hát mất không giận, đa sầu đa hận cũng ung dung. Hôm nay có rượu hôm nay say, ngày mai sầu tới ngày mai sầu.” Câu nói này thể hiện sự hiểu thấu và thái độ lạc quan, không tranh quyền đoạt thế của tác giả. Có điều, câu nói này cũng được ví với người được chăng hay chớ, chỉ lo hưởng thụ cái vui trước mắt.

Cận Tiêu rúc vào lòng anh, khi nghĩ đến chuyện gì thì nhẹ nhàng trở mình, tuy đã hơi buồn ngủ nhưng vẫn xốc lại tinh thần, ngước mắt nói với anh: “Lần trước áo khoác của cậu bị dây mực, em đưa cho mẹ Ngô mang đến phía Nam thành giặt rồi.”

Cậu Tư tỉnh táo lại, cúi thấp đầu đối mắt với cô, cười nói: “Sao lại bắt đầu để ý đến những chuyện này thế?”

Trong ký ức từ nhỏ của anh, dường như các mợ chỉ chơi mạt chược hoặc khiêu vũ cả ngày, vì thế cho tới tận bây giờ, cậu Tư cũng luôn cho rằng lấy vợ về thì nên để cô làm những việc như vậy. Cận Tiêu không thích, vậy xem như đọc tập san và làm vườn là mạt chược và khiêu vũ của cô đi, dù sao cũng không khác biệt.

Chỉ có mẹ anh khi còn sống sẽ cắt may áo khoác cho cha anh. Bà khâu vá rất giỏi, tư lệnh cũng thích mặc quần áo bà may, còn thường khen mặc rất thoải mái. Có điều khi người khác nhìn vào lại cười nhạo mẹ anh xuất thân bần hàn, không bỏ ra được thứ gì, càng không có nhà mẹ đẻ trợ giúp, chỉ có thể dồn sức vào làm mấy việc của kẻ tôi người tớ.

Có lẽ với những người có địa vị trong dòng họ, lao động chân tay và làm thủ công đều là những thứ thấp kém. Họ xem thường nông dân và người làm thủ công, cảm thấy công việc của đối phương không đáng nổi mấy đồng. Vì có quyền cao chức trọng và suy mưu tính kế nên khinh thường những người hai tay lấm bùn, như thể dùng thủ đoạn và âm mưu để tranh đoạt là việc cao quý lắm vậy.

Việc quán xuyến gia định này chỉ để phụ nữ công kích lẫn nhau, còn họ lại không thật sự để bụng. Ngoài để ý tới công to việc lớn trong nhà, những người đàn ông trong dòng họ lớn sẽ không thật sự quan tâm xem ai nhóm lửa, ai giặt đồ. Cận Tiêu đột nhiên quan tâm đến một chiếc áo khoác của anh, thậm chí còn gửi đi giặt khiến cậu Tư ngạc nhiên vô cùng.

Cô gái trong lòng anh duỗi lưng đầy biếng nhác: “Chất vải đó đẹp quá, em sợ giặt hỏng mất, phòng giặt ở phía Nam thành vẫn tốt hơn ở nhà.” Cô nghiêng đầu sang dựa vào khuỷu tay của cậu Tư, lời nói mang theo chút suy tư: “Áo đó cha sai người làm cho cậu, bình thường cậu cũng rất trân trọng nó.”

Đúng là khó lắm cha mới tìm người may cho anh một chiếc áo khoác, khi ấy cậu Tư còn đang đi du học, tư lệnh đã sai người đưa tới. Thật ra áo khoác kia may hơi to vì trước đó chưa từng ghi lại số đo của anh, chỉ may theo ảnh mà thôi, cuối cùng áo hơi rộng một chút. Có điều cậu Tư rất quý trọng áo này, phải chờ ngày thường đi học mới mặc, tuy áo có hơi rộng nhưng người nhà cũng không để ý.

Từ khi mẹ anh qua đời, chỉ có người làm đi tìm thợ may cho anh, hoặc đến lễ tết hàng năm, bà cả sẽ đưa thợ may của mình đến may đồ cho bọn họ. Nói là cho bọn nhỏ sấp đồ mới, thật ra cũng vì đục đẽo chút tiền mà thôi. Mọi người đều hiểu rõ, thỉnh thoảng chất vải thô ráp hoặc dùng da lông không tốt, mấy anh chị sẽ tự thay sang quần áo do thợ may của mình làm chứ không nói thẳng ra. Lúc cậu Tư trưởng thành thêm một chút cũng tự đi mua quần áo và tìm thợ may cho riêng mình.

Hoặc có lẽ khi ấy anh đang đi du học rồi, theo lý không nên để người trong nhà lo những chuyện vặt này nữa. Vậy mà cha lại sai người gửi áo cho anh, còn chuyển lời rằng đồ của người tây mặc không thoải mái, không bằng đồ nhà mình.

Anh nhớ lại những chuyện này mà chợt bùi ngùi, sau đó thở dài, nói với cô: “Người ngoài đều nói ông ấy rất yêu thương con trai út, nhưng đôi lúc chính anh cũng không rõ.”

Anh nghĩ một lát rồi lại nói: “Nhiều khi ông ấy thà vung thời gian bên cạnh con hát hoặc vợ lẽ, quan tâm anh cả và anh ba là trách nhiệm ông ấy phải thực hiện rồi, còn với anh lại như lúc nào vui mới nhớ đến, luôn phải xếp sau rất nhiều chuyện.”

Hiếm lắm cậu Tư mới nói những điều này với cô, có lẽ lòng anh đang khó chịu lắm. Cận Tiêu cười, nhắm mắt lại rồi nói khẽ: “Ông ấy tìm người may áo khoác cho cậu, có lẽ là rất yêu thương cậu.”

“Anh cũng không rõ.” Cậu Tư ngước mắt nhìn bầu trời sao: “Có phải người làm cha đều như vậy không? Đôi lúc rất tàn nhẫn, có khi lại rất tốt, rất tốt.”

Tình thương của cha trong dòng họ lớn không chỉ là thương, mà còn pha tạp với nhiều âm mưu, từ chia chác tài sản đến phân chia quyền cầm quân. Cậu Tư chưa từng được lợi trong những chuyện này, vậy nên Cận Tiêu cũng hiểu được sự không cam lòng trong anh. Dù sao người ngoài cuộc vẫn nhìn thấu hơn, ví dụ như Thiều Quan, ví dụ như chút quyền cầm quân, ví dụ như cậu Tư có thể lấy cô, vì thế cô nói: “Đương nhiên là ông ấy yêu thương cậu rồi, chỉ là phải yêu thương quá nhiều người nên đôi lúc sẽ không để ý đến cậu được thôi.”

Không có ai đối tốt với một người như tất lẽ dĩ ngẫu, càng không có ai moi tim moi phổi, chăm sóc đủ đường cho người khác, huống hồ đó còn là cha anh. Cậu Tư gật đầu rồi lại nở nụ cười hơi xấu hổ: “Anh cũng lập gia đình rồi, không nên để bụng những chuyện này.”

Hơi thở của Cận Tiêu nhẹ hơn, cậu Tư không nghe thấy cô nói gì lại cho là cô ngủ mất rồi. Có điều cô không hề ngủ, một lát mới nói khẽ: “Mọi người đều nói cha mẹ sẽ không bao giờ oán trách con cái, thật ra không chỉ có vậy…”

“Là con cái, dù có không bằng lòng hay tức giận đi nữa, cũng sẽ luôn tha thứ cho cha mẹ.”

Lời nói của cô mang theo chút buồn vô cớ, bởi một người để cho người khác đe nẹt, đàn áp rồi nhưng vẫn tha thứ cho người kia, quả là vừa thấp hèn vừa đau thương. Vì thế mà họ chỉ có thể tự vệ, chỉ có thể phòng bị mà thôi. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy nực cười, mềm yếu và không có chí tiến thủ, những người trẻ tuổi càng không hiểu được, còn thấy máu mủ tình thâm chỉ là canh suông nước lã.

Đó là người từ khi nằm trong nôi, bạn đã ngọ nguậy muốn được họ ôm, và đó là cũng là người bạn bất giác ỷ lại khi bị ăn một cái tát đau điếng. Đời này thất vọng nhiều sẽ nguội lòng, sẽ không quên được, nhưng không phải sẽ không tha thứ.

Cô hơi nghiêng đầu rồi chợt nở nụ cười: “Khi em còn nhỏ, lúc cha em vẫn còn là người làm ăn đã làm mếch lòng người khác, họ nói ông ấy gian dối rồi tống vào ngục.”

Giọng của cô hời hợt vô cùng, như thể đó là chuyện cỏn con, còn cậu Tư lại bất giác nín thở: “Khi đó các anh của em nội trú ở trường, mẹ em không dám cho họ biết, ngày nào cũng chỉ ôm em khóc.”

Cận Tiêu ngượng ngùng dừng lại một chút, sau đó lại thẳng thắn tiếp: “Dù em sợ, nhưng nói thật là cũng mừng thầm nữa. Mẹ chưa từng nói chuyện nhiều với em như vậy, em an ủi và cảm giác như san sẻ được phần nào với bà ấy, vậy cũng là có chút địa vị trong nhà.”

Một người luôn không được chú ý cũng quen rồi, nhưng họ sẽ sợ nhất lúc đột nhiên được chú ý, bởi sẽ bất giác chờ mong và mừng thầm, cho rằng cuộc sống của mình thật sự có bước ngoặc mới. Cậu Tư hiểu điều này, anh duỗi tay ôm cô, chậm rãi lên tiếng để cô nói tiếp: “Sau đó thì sao?”

Cận Tiêu chớp mắt: “Đến đêm nhớ tới cha, em lại thấp thỏm, sau đó tự khóc một lúc lâu. Mẹ em nói mấy ngày nữa là được gặp ông ấy rồi, em muốn nói cho ông ấy biết trong nhà đã có em, ông ấy không phải lo.”

Cậu Tư bất giác đưa tay vỗ nhẹ lên lưng cô như mẹ thường ru anh ngủ khi còn nhỏ. Cận Tiêu dựa vào ngực anh, khi kể lại chuyện cũ lại bình tĩnh hơn cả: “Khi đó cả nhà đã hơn mười ngày không gặp nhau, trên đường đi mẹ có nói với em rằng bình thường cha trọng sĩ diện, đến lúc gặp có lẽ sẽ không dám đối diện với hai mẹ con. Em nghe rồi cũng lo theo, còn nghĩ phải làm thế nào để an ủi ông ấy.”

Cô cười, không rõ là nhẹ nhõm hay nặng nề: “Thế nhưng ông ấy thấy em lại không nói gì, chỉ nói một lúc lâu với mẹ rằng ai hại ông ấy, rồi cần tìm ai giúp đỡ.”

“Ông ấy lại hỏi các anh của em thế nào rồi, còn em chỉ đứng sau mẹ.”

Cô nhẹ nhàng thở hắt ra rồi lại cười: “Em cứ đứng như thế nhưng ông ấy không thèm đả động.”

Cận Tiêu ngẫm nghĩ, không khí chợt an tĩnh lại, một lúc lâu sau cô mới nói thêm: “Cũng không nói gì với em nữa.”

Nhịp thở dần trở nên gấp gáp, cô vùi vào ngực cậu Tư để ngăn dòng nước mắt. Cậu Tư ôm siết cô vào lòng, vừa vỗ nhẹ lên lưng vừa nhẹ giọng an ủi: “Từ nay về sau không còn dính dáng gì đến họ nữa rồi.”

Cận Tiêu bình ổn cảm xúc rồi lại ngẩng đầu lên, dù cô nói có mang theo ý cười, nhưng nụ cười vẫn pha thêm chút bất đắc dĩ: “Cha mẹ yêu thương cũng là may mắn và cần điều kiện, nếu có được thì cảm tạ và khắc ghi, nếu không có thì tự lo cho cuộc đời của mình cũng không hề gì.”

Cô ngẩng đầu, ánh mắt đầy vẻ chăm chú: “Cha cậu có gia đình lớn như vậy, còn phải bao quát rất nhiều chuyện, có lúc sẽ xao nhãng nhưng thật ra vẫn rất yêu thương cậu.”

“Không phải cứ phô ra mới là yêu, còn quan tâm là còn thương.”

Anh hiểu ý của cô, không phải tư lệnh không yêu thương cậu con trai là anh, chỉ là ông phải quan tâm tới quá nhiều người, từ con cả, vợ bé đến rất nhiều chuyện lớn nhỏ trong quân đội. Ở thời điểm chọn hay bỏ, con người sẽ tàn nhẫn loại đi thứ mình không thích. Lúc không phải đưa ra lựa chọn, họ sẽ bố thí chút dịu dàng, bởi dầu gì cũng hoài nhớ mong. Nếu không phải vô duyên vô cớ cho bạn, chi bằng cứ hoài niệm chút đi.

Tư lệnh không lấy chuyện cưới hỏi của cậu con út đi đổi lấy lợi ích gì, tình thương trong đó đã quá đủ với giới hạn của một người cha rồi. Cậu Tư thở hắt ra, anh đã nghĩ thông một số chuyện, sau lại cúi đầu nói với cô: “Về sau có con, chúng ta sẽ cho con mọi thứ.”

Sự nghiêm túc trong giọng nói của anh khiến Cận Tiêu ngước nhìn, trong lòng cũng dậy sóng một cách khó hiểu. Bù đắp việc hai người không thật sự có được cho một sinh linh khác, mong đợi này khiến cô vừa tưởng niệm vừa mong ngóng không thôi.

Vì thế cô gật khẽ, mỉm cười nói lời hứa hẹn kín đáo: “Vâng.”

Hết chương 36.
Tác giả: Có người yêu thương giống như (khoác lên mình) chiếc áo choàng đầy kiêu hãnh vậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 4 /10 từ 1 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status