Hoa tư dẫn

Chương 25


Bởi vì đây là giấc mơ của Oanh Ca trong lúc hôn mê, không phải là ảo mộng tôi dệt cho cô, đành chỉ có thể nhìn mọi cảnh trôi qua như là xem đèn kéo quân mà thôi, không thể tác động vào. Không biết sau lần ngã xuống núi đó tình cảm giữa Dung Viên và cô có gì tiến triển, điều đó quả khó phán đoán, nhưng dường như những gì cần tiến triển đều đã tiến triển hết. Bởi vì đêm đó, sau khi được kiệu đưa về Trịnh cung, Oanh Ca không ở điện Chiêu Ninh nữa, mà chuyển đến điện Thanh Lương, tẩm cung của Dung Viên.

Tẩm cung của Trịnh hầu vương Dung Viên có tên là Thanh Lương, bày trí trong cung rất trang nhã, đơn giản, cạnh giá nến cao có một chiếc bình gốm cắm hai cành anh đào trắng khô héo, giữa tiết đông hàn trông càng lạnh lẽo cô liêu. Vết thương ở chân Oanh Ca được các ngự y trong cung chăm sóc chu đáo, nhưng do bị giày vò lâu, vừa vào đến giường đã mệt mỏi nhắm mắt ngả đầu xuống gối. Hầu nữ thắp thêm nến, Dung Viên đầu tựa thành giường, tay cầm cuốn sách, vẻ bồn chồn, cả hai đều im lặng.

Tôi cảm thấy chẳng có gì đáng xem, định kéo Mộ Ngôn đi ngắm sao, chưa kịp nắm ống tay áo Mộ Ngôn, đã nhìn thấy Dung Viên vừa giở sách vừa ngẩng nhìn Oanh Ca, rồi lại cúi xuống trang sách, giọng nhẹ nhàng: "Nằm lui lại đây".

Mộ Ngôn nghiêng đầu nhìn tôi, tôi dừng bước. Oanh Ca lặng lẽ trở người, mắt vẫn nhắm, tấm chăn hơi phồng lên, có vẻ như thu hẹp khoảng cách giữa hai người, thực tế chỉ là thay đổi tư thế nằm, Dung Viên ngẩng đầu khỏi trang sách, cau mày đắn đo một hồi, lại cúi đầu đọc tiếp: "Ta sợ lạnh, lại gần hơn chút nữa".

Lần này Oanh Ca không nhúc nhích, chắc là giả bộ ngủ. Thực tế đã nằm cùng một giường giả bộ ngủ hay không cũng thế. Quả nhiên, lát sau Oanh Ca bị Dung Viên kéo vào lòng. Cô hơi giãy giụa trong lòng chàng, điều này chỉ đoán ra thông qua chuyển động của tấm chăn, tiếng cọ xát của xiêm y và lời nói của Dung Viên.

Trong ánh nến hồng mờ ảo, giọng Dung Viên trầm lạnh vang lên: "Sao khó bảo thế, đã nói rồi, ta sợ lạnh". Giọng Oanh Ca: "Bảo người đi lấy thêm...". Lát sau, nghe thấy giọng Dung Viên vui vẻ, rõ ràng đang đùa nhưng nghiêm túc như một mệnh lệnh: "Nằm yên nào".

Đàn ông muốn ngủ cùng phụ nữ là một chuyện, nhưng đắp chung chăn với phụ nữ thuần túy chỉ để nói chuyện lại là chuyện khác, từ đó có thể thấy Dung Viên là một minh quân, đương nhiên, nếu người khác phủ định tôi cũng chẳng nói gì. Nhưng tôi nghĩ, một người đàn ông có thể chuyện trò chia sẻ, lắng nghe ý kiến của người đàn bà của mình nhất định là người đàn ông tốt, huống hồ người đàn ông đó lại là bậc quân vương.

Ngày hôm sau khi Oanh Ca thức dậy, nắng ấm tỏa trên cao. Ngoài cửa sổ có tiếng chim hót vang, ánh mặt trời hắt qua cửa sổ chạm hoa văn, chiếu lên chăn lụa óng ánh như dát vàng. Chân Oanh Ca vẫn đau, đang mơ màng ngơ ngẩn.

Vừa ra khỏi cung đã xảy ra chuyện lớn ngã xuống núi, là một người chồng có trách nhiệm, trong thời gian sau đó đương nhiên không nên để vợ ra khỏi cửa. Nhưng tư duy của những đệ nhất không thể dùng đạo lý thông thường để suy đoán, cho dù là đệ nhất gọt táo, đệ nhất cắn hạt dưa, huống hồ Dung Viên lại là Trịnh quốc đệ nhất đao thủ.

Chỉ nửa tháng, vết thương của Oanh Ca đã lành hẳn, ban đêm Dung Viên đến điện Chiêu Ninh, ánh mắt dừng lại trên bàn chân nhỏ đã khỏi hẳn dưới gấu váy tím, lát sau chàng nói: "Vào cung đã ba tháng, chắc nàng buồn lắm, ngày mai quả nhân sẽ đưa nàng đi loanh quanh".

Có lẽ đi loanh quanh mà Dung Viên nói chỉ là đi dạo trong vương cung, thật sự được đưa ra đường phố của thành Tứ Phương, vốn điềm tĩnh như Oanh Ca cũng nhất thời cơ hồ không dám tin. Còn tôi và Mộ Ngôn chỉ cảm thấy sự phồn hoa của phố phường kinh đô Trịnh quốc cũng chẳng khác hiện tại bao nhiêu.

Quý công tử dung sắc lạnh nhạt, nghiêng đầu hỏi tân nương mới cưới ba tháng: "Muốn đi đâu?".

Cả người Oanh Ca bọc kín trong chiếc áo dài mền bông dày, bên ngoài còn khoác thêm áo choàng gió bằng lụa tím viền lông cáo, dưới vành mũ lộ ra đôi mắt lóng lánh tuyệt đẹp: "Nếu bệ hạ để thần thiếp lựa chọn...", nghĩ một lát, nói "... thiếp muốn đến Bích Phù lầu".

Dung Viên hơi ngước mắt, vẻ ngạc nhiên, nhưng chỉ thoáng qua, rồi giơ tay phẩy chiếc lá vàng rơi trên mũ của cô.

Dung Viên ngạc nhiên là có nguyên do, bởi vì Bích Phù lầu mặc dù nghe tên rất phong nhã, giống như nơi bán hoa sen, nhưng thực tế là sòng bạc nổi tiếng ở thành Tứ Phương.

Thường xuyên có khách lân quốc vượt ngàn dặm đến đây đánh bạc, chuyện này vốn là phi pháp, nhưng khách láng giềng nhàn rỗi đến chơi, vô tình thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, đây quả là vấn đề gay cấn.

Tông pháp tổ tiên vốn quý, nhưng nếu cản trở kiếm tiền thì cũng nên bỏ. Triều đình suy tính sao cho vẹn toàn cả hai, vậy là quyết định đưa đánh bạc trở thành một nghề. Các sòng bạc lớn nhỏ được chính quyền cổ vũ ra sức cạnh tranh tàn sát, ba năm sau chỉ còn lại Bích Phù lầu lớn nhất, ông chủ sòng những tưởng một mình làm vua một cõi, ai ngờ bị cưỡng chế bán cho nhà nước với giá gốc.

Có lẽ tôi hiểu tại sao Oanh Ca muốn đến Bích Phù lầu, khi còn là sát thủ của Dung gia, Dung Tầm chủ trương các sát thủ phải tu thân dưỡng tính, không kiêu ngạo, không nóng nảy, không mù quáng tham lam, đánh bạc là tham lam, hơn nữa đối tượng ám sát không ai mê cờ bạc, khiến Oanh Ca hai mươi năm sống trong chốn bụi hồng, chưa bao giờ bước chân đến sòng bạc, nơi hội tụ những người giàu tham vọng của thế gian.

Nhìn thân hình ung dung chậm bước phía trước, tôi nén không nổi hỏi Mộ Ngôn: "Dung Viên cũng biết Oanh Ca đã khỏe hẳn, mà vẫn cho cô ta mặc nhiều như vậy, bó chặt như cái bánh chưng, nếu có thích khách, làm sao ra tay? Hay là muốn cô ta lăn một vòng đè chết thích khách?".

Mộ Ngôn dừng bước, nhưng không phản bác như mọi lần, trái lại có vẻ suy nghĩ nghiêm túc: "Đàn ông đa phần như vậy, người con gái mình yêu dù mạnh mẽ đến mấy cũng vẫn là nhi nữ, không muốn để nàng chịu khổ hay lâm vào cảnh đáng sợ, phải tận mắt nhìn thấy nàng sống sung sướng đủ đầy mới yên tâm".

Trong ngực có gì nảy lên, tôi nhìn sang bên: "Huynh nghĩ như vậy, cô gái nào sau này lấy được huynh thật có phúc". Nhưng số tôi không có phúc đó.

Nhưng chàng lại nghiêm trang gật đầu, ánh mắt hướng về tôi, như cười như không nhìn tôi: "Đúng, lấy tôi rất hời".

Lòng càng buồn thêm, tôi không thể trở thành cô gái của chàng, cũng không hy vọng trở thành cô gái của bất kỳ ai. Chợt lại nảy sinh ý nghĩ ác độc, chàng đã không thể yêu tôi, vậy nhất định không để chàng yêu cô gái khác, hoặc dứt khoát để chàng đi yêu đàn ông.

Bích Phù lầu trên đường Huyền Vũ, hiên cong mái lượn, tráng lệ lộng lẫy, kiến tạo mô phỏng dinh thự làm việc của quan lại trong triều, đối lập với tửu lầu bên trái và thanh lâu lớn nhất thành Tứ Phương bên phải.

Đi vào trong, chọi gà đấu chó, mạt chược, cờ vây, xúc xắc, rất nhiều trò chơi, cơ hồ mọi trò cờ bạc của thiên hạ ở đây đều có, chẳng trách những kẻ ham cờ bạc nhưng không có tiền chơi cũng đến xem cho thỏa.

Nhưng nghe đồn, Bích Phù lầu này không có con bạc, chỉ có khách đánh bạc.

Khách đánh bạc của Bích Phù lầu đều là những người giàu, một lần vung tay cả ngàn lạng, thắng thua đều tính bằng ngàn lạng, tôi thầm nghĩ hôm nay Oanh Ca đến đây là có ý đồ khác, không phải muốn đánh bạc, không ai mang theo ngân phiếu ngàn lượng đi dạo phố. Khách vây quanh bàn xúc xắc đông nhất, Oanh Ca bước đến bên bàn, Dung Viên đi sau.

Tiểu nhị thoáng nhìn đã biết chàng công tử áo trắng đi sau Oanh Ca rõ ràng ngời ngời phú quý, bèn tiến lại gạ gẫm nói, vị công tử áo gấm ngồi ở bàn kia là một cao thủ lục bác kỳ(*), cao thủ cao thủ đại cao thủ, chơi ở sòng bạc này đã ba năm chưa bao giờ thua, nếu Dung Viên có hứng, xin hãy thử so tài với anh ta một phen.

Nói mãi Dung Viên vẫn không động đậy, tiểu nhị chưa hiểu thế nào, lại tiếp tục tán dương công tử áo gấm, nào là người đó rất bí hiểm, rằng không ai biết tên anh ta, càng không biết thân thế anh ta, chỉ biết đâu như là người Tân Lương nước Lầu, do mấy năm nay chỉ chơi lục bác kỳ, cho nên mọi người ở đây gọi anh ta là Tân Lương bác khách, một cách gọi vừa thân thiết lại không thất lễ.

Tiểu nhị nói một hồi, Dung Viên vẫn không động lòng, nhưng lại làm động lòng Oanh Ca đứng bên, đôi mắt đen liếc chàng: "Thật thú vị, bệ... à, phu quân chơi lục bác kỳ rất giỏi, sao không thử một ván, biết đâu có thể thắng anh ta?".

Dung Viên nhìn cô: "Có thể ư?", dừng một lát, "… Không mang tiền".

Tiểu nhị: "…".

Tân Lương bác khách đã ăn đứt của đối phương ba quân đen, thắng bại đã rõ ràng, khách đứng xem trầm trồ xuýt xoa. Dung Viên vừa mới nói không mang tiền, lại ngồi ngay vào ghế của người bị thua vừa đứng lên. Tân Lương bác khách ngồi đối diện ngẩn người, nói giọng lễ phép: "Hôm nay ngày mười lăm, số mười lăm tại hạ chỉ có thể chơi ba ván, ba ván đã mãn, thứ lỗi cho tại hạ không thể hầu các hạ".

Dung Viên tung con bài trắng trong tay, dung sắc thản nhiên: "Nghe nói ba năm nay anh chưa từng thua. Ta nói có thể thắng anh, phu nhân ta không tin, hôm nay muốn thử một ván, anh muốn đánh bao nhiêu không thành vấn đề".

Chàng trai trẻ được gọi là Tân Lương bác khách lộ vẻ kinh ngạc, ánh mắt dừng lại sau lưng Dung Viên, cất tiếng cười giòn tan: "Khẩu khí của các hạ thật lớn, đã vậy tại hạ sẽ phá lệ, hôm nay sẽ đánh thêm ván này, tại hạ xin đưa vợ mình ra cược, các hạ đưa vị phu nhân đứng sau các hạ ra cược, thế nào?".

Khuôn mặt Oanh Ca vốn đỏ hồng bỗng trắng nhợt. Tôi biết là vì sao.

Bầu không khí im lặng bắt đầu từ bàn cờ lan ra, toàn nội đường im phăng phắc, quân cờ trắng trong tay Dung Viên "cạnh" một tiếng đập lên mặt bàn gỗ hoa, giọng dửng dưng: "Thay vật cược".

Tân Lương bác khách lộ vẻ hứng thú: "Chẳng phải vừa rồi các hạ nói như đinh đóng cột ván này nhất định thắng tại hạ? Đã vậy tạm thời để quý phu nhân chịu tủi một chút, được không?".

Quân cờ bằng ngà trong tay Dung Viên bị bẻ làm bốn miếng không một tiếng động, chàng mặt không biểu cảm xòe bàn tay, hai vết đứt như bị dao cắt: "Một khắc trước ta còn muốn trân trọng nó, một khắc sau lại muốn bóp nát nó, có thể thấy trên đời không có gì là tuyệt đối. Mạo hiểm người mình yêu như thế...". Chàng dừng lại "... thì quả là khinh suất".

Oanh Ca còn đang chưa kịp định thần, ngẩng phắt đầu, tay đón cây trường đao Dung Viên ném cho, miếng ngọc thạch màu lam khảm trên chuôi cây đao lóe ra ánh sáng chói mắt, không biết phải phá bao nhiêu ngọn núi mới thu được một mẩu ngọc thạch quý đó, ánh mắt hai người thoáng gặp nhau, chàng quay người lại: "Hãy đưa thanh đao này cho ông chủ, bảo ông ta đổi mười vạn ngân bạc".

Hai câu trước là nói với Oanh Ca, hai câu sau là nói với chàng trai trước mặt, "Nếu anh còn muốn đưa vợ ra đặt cược, tùy anh, nhưng cũng không để anh chịu thiệt, ván này ta đặt mười vạn thù vàng".

Lời Dung Viên vừa dứt, Bích Phù lầu lập tức náo loạn, khách đổ dồn đến, không ai muốn bỏ qua canh bạc lớn chưa từng có kể từ khi khai trương Bích Phù lầu.

Chiếc bàn của Dung Viên và bác khách huynh đệ trong nháy mắt đã bị vây kín vòng trong vòng ngoài, trong khi khách chơi ở dưới lầu nghe tin vẫn đang ùn ùn kéo tới.

Không có vật gì bảo vệ che chắn tốt hơn đám đông, tôi nghĩ đây chính là thời cơ bỏ trốn tốt nhất, có lẽ Dung Viên cố tình cho Oanh Ca một cơ hội bỏ trốn, nhất định là thế. Bởi vì chàng vốn có thể trực tiếp đưa thanh đao quý đặt cược với phu nhân của bác khách, nhưng lại bảo Oanh Ca đem đi đổi, nếu không phải lý do đó, quả rất khó tìm ra lý do nào khác.

Bất luận thế nào Oanh Ca cũng nắm lấy cơ hội này. Cần phải tìm cho mình một người đồng hành tâm đầu ý hợp trong cuộc đời hỗn loạn này, có lẽ cuối cùng Dung Viên cũng nhận ra Oanh Ca không phải là người đó, cô đã chán cuộc sống tù túng trong cung, luôn muốn bỏ trốn, luôn luôn muốn.

Lầu hai rộng rãi, Mộ Ngôn tìm được một vị trí có thể quan sát ván bài của Dung Viên. Lát sau ông chủ Bích Phù lầu cầm túi bạc run run rẽ đám người đến bên bàn, cúi gập người nâng túi bạc như nâng thánh vật dâng trước mặt Dung Viên.

Bàn tay Dung Viên cầm quân bài bằng ngà dừng lại trên không: "Phu nhân ta đâu?". Ông chủ Bích Phù lầu lau mồ hôi hột trên trán không biết nói sao. Lúc sau, Dung Viên bất ngờ đặt quân bài xuống bàn: "Ta thua rồi". Trên ván cờ hai bên đen trắng rõ ràng đang triển khai hết sức gay cấn, huynh đệ bác khách đối diện kinh ngạc tròn mắt, hồi lâu sau, nghiến răng: "Các hạ thế này... là ý gì?".

Ông chủ sòng đứng bên hoảng hốt giật mình, vội đi đến bên bàn: "Vị công tử này không muốn chơi nữa thì thôi, anh được không mười vạn đồng, anh cũng là khách quen của chúng tôi, đều là chỗ thân tình, đừng làm khó lão hủ này".

Tôi nghĩ điều Dung Viên muốn nói không chỉ là ván cờ, chàng cho Oanh Ca cơ hội, nhưng không muốn cô bỏ đi thật, giống như tôi biết rõ đi theo Mộ Ngôn thế này chỉ ngày càng quyến luyến chàng, một vong hồn lại dung thứ bản thân ngày càng lưu luyến thế gian, nỗi đau thế nào khi phải chia ly chỉ một mình mình biết, giống như ván cờ vô vọng kia, giống như tâm trạng Dung Viên lúc này.

Khách xem tản dần, có vẻ tiếc rẻ, thông thường họ có thể nài chơi tiếp, nhưng có lẽ đoán Dung Viên là một quan lớn nào đó đành thôi, vốn tưởng được chứng kiến một ván bài nảy lửa xứng với mười vạn thù vàng đặt cược, không ngờ lại kết thúc như vậy.

Vị quân vương trẻ tuổi trầm ngâm ngồi bên bàn tròn, quân cờ trắng trong tay đột nhiên bị bóp vụn, bụi trắng lọt qua ngón tay rơi xuống mặt bàn, một lúc lâu sau chàng đứng lên, thần sắc lại bình thường như chưa xảy ra chuyện gì, dường như hôm nay từ đầu đến cuối chỉ có một mình chàng bỗng dưng nổi hứng đến chỗ này, bỗng dưng nổi hứng tham gia một canh bạc, canh bạc chưa tàn vẫn mãn nguyện một mình hồi cung. Cảnh đường phố trước Bích Phù lầu vẫn sầm uất náo nhiệt, chàng đứng ngây ở bậc thềm rất lâu, dáng cô đơn, dường như trước giờ vẫn cô đơn như vậy, giữa cảnh phồn hoa trông không hề lạc lõng.

Một cậu bé rao bán kẹo hồ lô đi qua, chàng gọi lại, bạc đã móc ra, đột nhiên sực nhớ điều gì, lại thôi: "Không mua nữa".

Sau lưng vang lên một giọng nữ dịu dàng: "Sao lại không mua? Thiếp muốn ăn".

Dung Viên cứng người, vẫn giữ tư thế nhét tiền vào ống tay áo, mãi vẫn chưa hiểu ra, tôi cũng mãi chưa hiểu ra. Mộ Ngôn gập cái quạt, nhìn tôi, nói vẻ đắn đo: "Dung Viên hồn xiêu phách lạc, không phát hiện Oanh Ca cô nương vẫn đứng ở lầu hai đã đành, nhưng đừng nói với tôi cô cũng không phát hiện ra. Cô ấy thậm chí… đứng ngay cạnh cô".

Tôi quả thực không phát hiện ra.

Mộ Ngôn lại xòe cái quạt, mủm mỉm nói nhỏ: "Quả nhiên".

Tôi tức điên vì nụ cười giễu cợt của chàng: "Tôi, tôi cũng hồn xiêu phách lạc".

Mộ Ngôn: "…".

Tôi nói thật, nhưng chàng không tin, tưởng là tôi biện hộ, nhìn Dung Viên dường như tôi nhìn thấy bản thân mình, nhưng Mộ Ngôn vĩnh viễn không biết, thực ra cũng không cần chàng biết. Tôi tự an ủi mình, A Trăn, đừng buồn, chàng không biết là tốt, ở đời có quy tắc vuông tròn không thể phế bỏ, người sống có thế giới của người sống, người chết có thế giới của người chết, chỉ cần được nhìn thấy chàng là tốt rồi, tham lam quá cũng không hay.

Oanh Ca mình khoác áo gió màu tím đứng sau Dung Viên năm bước, vừa thoáng ngoái nhìn, chàng lại đắn đo không ngoái hẳn, tựa hồ như trên đường phố sầm uất đột nhiên hiện ra một khoảng trống, trong đó chỉ có hai người, khách qua đường là ngoại cảnh, thời gian ngừng lại. Cuối cùng là cậu bé bán hồ lô phá vỡ bầu không khí yên lặng, nhìn Oanh Ca lại nhìn Dung Viên: "Công tử có mua không?".

Oanh Ca bước đến chọn hai chiếc to nhất: "Mua chứ, sao lại không mua". Cậu bé lắc đầu: "Vậy ai trả tiền?".

Đôi mắt đen lúng liếng nhìn Dung Viên đứng bên: "Sao còn đứng ngây ra thế, trả tiền đi". Ánh mắt cô chứa muôn ngàn tia sáng, như thuở mười lăm đẹp nhất, bàn tay còn chưa dính máu, là một giai nhân tuyệt mỹ, nhất là đôi mắt, hơi cười là sóng sánh xuân tình.

Cậu bé được tiền thưởng sung sướng chạy biến, gió bắc lớn dần, Dung Viên cuối cùng ngoái đầu lại, khuôn mặt anh tú vẫn lạnh lùng, giơ tay gạt những sợi tóc mai xõa xuống mặt cô, cử chỉ vô cùng cẩn trọng, nhưng giọng nói vẫn không chút xao động: "Đi đâu vậy?". Tôi nghĩ vị quân vương trẻ tuổi này quả rất giỏi kiềm chế.

Mắt Oanh Ca như cười: "Người đông, ngại chen vào, xem ở lầu trên. Tại sao giữa chừng đã nhận thua, lại thua nhiều như vậy, tiền đó thà thưởng cho thiếp".
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 10 /10 từ 1 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status