Quỷ ám

Chương 2


Giống như một lóe sáng định mạng của bao nhiêu mặt trời nổ tung chỉ in dấu lờ mờ trên mắt người mù, sự bắt đầu của nỗi kinh hoàng ấy trôi qua hầu như không ai thấy. Thật vậy, trong tiếng thét chát chúa của những điều kế tiếp, sự bắt đầu đã bị quên lãng và có lẽ không liên quan gì với nỗi kinh hoàng ấy cả. Thật khó mà xét đoán được.

Đó là một ngôi nhà thuê. Ẳm đạm. Chắc nịch. Một ngôi nhà gạch kiểu thuộc địa phủ đầy dây trường xuân trong khu Georgetown ở thủ đô Washington D.C. Bên kia đường là đường viền khuôn viên Viện Đại học Georgetown, phía sau nhà là bờ đất dốc đứng phóng thẳng xuống con phố Ma-phi-a nhộn nhịp, tít xa là dòng sông Potomac đục lờ. Sáng sớm ngày mùng 1 tháng Tư, căn nhà ấy thật yên tĩnh. Chris MacNeil chống tay lên giường, ôn lại vai tuồng cho buổi quay phim ngày hôm sau. Regan, con gái nàng, ngủ yên nơi phòng cuối hành lang. Ở tầng dưới, trong một căn phòng bên ngoài bếp, vợ chồng người quản gia tuổi trung niên, Willie và Karl, còn ngủ kỹ. Vào khoảng 12 giờ 25 phút sáng, Chris rời mắt khỏi kịch bản, mặt cau lại vì hoang mang. Nàng nghe có những tiếng gõ mạnh. Những tiếng gõ kỳ dị. Nghẹt ngòi. Sâu lắng. Từng cụm nhịp nhàng. Một thứ mật mã xa lạ do một kẻ chết đánh đi.

Kỳ lạ.

Trong một lúc nàng cứ lắng nghe. Sau đó nàng gạt nó ra khỏi tâm trí; nhưng tiếng gõ cứ nhịp đều đều khiến nàng không sao tập trung được. Nàng vụt mạnh kịch bản xuống giường.

Nó quấy quả ta quá chừng!

Nàng trỗi dậy đi xem có chuyện gì.

Nàng bước ra lối hành lang, nhìn quanh quất. Tiếng gõ dường như vẳng ra từ phòng ngủ của Regan.

Con bé làm giống gì vậy kìa?

Nàng khẽ bước đến cuối hành lang và tiếng gõ đột nhiên lớn hơn, nhặt hơn, rồi khi nàng đẩy cửa bước vào phòng, chúng bỗng ngưng bặt.

Chuyện quái gì đây không biết?

Đứa con gái xinh xắn mười một tuổi của nàng say sưa ngủ, tay ôm siết một con gấu lớn nhồi bông có đôi mắt tròn xoe. Con gấu đã nhạt màu sau bao năm bị quấn, bọc, bao năm bị nựng nịu, hôn hít bằng những cái hôn ướt át kêu chùn chụt.

Chris khẽ đến bên giường, cúi xuống thầm thì, "Rags? Con thức đấy à?"

Nhịp thở đều. Nặng. Sâu lắng.

Chris đảo mắt nhìn quanh phòng. Ánh sáng lờ mờ từ hành lang toả xuống xanh xao và vỡ vụn trên những bức vẽ sơn dầu của Regan, trên những bức điêu khắc của Regan, trên những con thú nhồi bông khác.

Ô kê, Rags. Lại ba cái trò chọc phá mẹ đây hẳn. Nói đi. Trò nghịch ngợm "Cá Tháng Tư" đây chứ gì.

Tuy nhiên, Chris biết điều này không giống với con gái nàng chút nào. Con bé tính tình rất rụt rè, nhút nhát. Vậy thì ai chơi cái trò này? Một thần trí hôn thụy ra lệnh tạo những tiếng gõ trong hệ thống ống sưởi hay ống nước chăng? Có dạo, trên vùng núi xứ Bhutan, nàng đã đăm đăm nhìn hàng giờ một nhà sư Phật giáo ngồi xếp bằng tham thiền dưới đất. Cuối cùng, nàng nghĩ là đã thấy vị sư bay lên bềnh bồng giữa khoảng không. Có lẽ vậy. Thuật lại câu chuyện này cho bất cứ ai, bao giờ nàng cũng nói thêm "có lẽ vậy". Và có lẽ thần trí nàng - kẻ tường thuật về các ảo giác không biết mệt mỏi ấy - đã tô điểm cho những tiếng gõ này cũng nên.

Cứt họ, ta nghe thấy rõ ràng chứ bộ!

Chợt nàng ném nhanh một cái liếc mắt lên trần nhà. Đó kìa! Có tiếng cào nạo khe khẽ mà!

Lũ chuột trên rầm thượng rồi! Trời ạ, chuột rồi!

Nàng thở dài. Đúng chuột rồi. Những chiếc đuôi to sầm. Thịch thịch. Nàng cảm thấy nhẹ nhõm kỳ lạ. Sau đó nàng nhận ra cái lạnh. Căn phòng đó. Nó lạnh như nước đá.

Nàng khẽ bước đến cửa sổ. Kiểm soát cửa. Vẫn đóng chặt mà. Nàng rờ vào lò sưởi. Nóng.

Ủa, thật vậy sao?

Bối rối, nàng đến bên giường, áp tay nàng vào má Regan. Bờ má mịn màng như ý nghĩ và rơm rớm mồ hôi.

Chắc là mình ốm rồi!

Nàng ngắm con gái, nhìn chiếc mũi hếch và khuôn mặt đầy tàn nhang, rồi trong một xung động nồng nàn, thoáng nhanh, nàng cuối xuống hôn lên má con. "Mẹ rất yêu con" nàng thì thầm, xong trở lại phòng riêng, trở lại chiếc giường và tập kịch bản của nàng.

Trong một lúc, nàng nghiên cứu kịch bản. Đó là một phim hài rập khuôn theo phim Ông Smith lên Washington. Một cốt truyện phụ được bổ sung mô tả các cuộc nổi loạn trong trường đại học. Chris thủ vai chánh. Nàng thủ vai một giáo sư tâm lý học về phe với nhóm nổi loạn. Nàng ghét cay đắng vai trò đó. Rõ ngớ ngẩn! Thật là một cảnh cực kỳ ngớ ngẩn! Tâm trí nàng, dù không học thức mấy, chưa bao giờ cầm nhầm khẩu hiệu thay cho chân lý, và giống như một con chim xanh, nàng mổ không thương tiếc vào mớ ngôn từ đại cà sa để tìm cho ra một sự kiện kín dấu, rạng ngời. Cho nên theo nàng, lý do cuộc nổi loạn này thật là "cả quỷnh". Chẳng có nghĩa lý gì cả. Sao thế này nhỉ? Nàng tự hỏi. Khoảng cách giữa các thế hệ chăng? Rặt là đồ rơm rác! Ta mới có ba mươi hai tuổi thôi! Ngớ ngẩn chỉ đơn giản là nó ngớ ngẩn! Thế thôi...

Bình tĩnh nào. Chỉ còn một tuần nữa thôi.

Họ đã quay xong phần nội cảnh tại Hollywood. Chỉ còn vài ngoại cảnh quay tại khuôn viên của Đại học đường Georgetown, bắt đầu vào ngày mai. Lúc này đang mùa nghỉ lễ Phục Sinh, các sinh viên nghỉ cả.

Nàng đâm buồn ngủ quá. Mí mắt cứ nhíu lại. Nàng lật sang một trang bị rách bươm một cách kỳ cục. Kinh ngạc, nàng mỉm cười. Ông đạo diễn người Anh của nàng đây rồi. Ông ta có thói quen cứ khi nào quá căng thẳng, lại đưa đôi tay run lẩy bẩy xé toạt một rẻo nhỏ khỏi bất cứ rìa trang giấy nào gần ông nhất, rồi bỏ vào mồm nhai, từng phần một, cho đến khi nó viên thành một cục tròn trong miệng ông.

Chàng Bruke thân mến.

Nàng ngáp dài, rồi âu yếm nhìn xuống rìa kịch bản. Các trang giấy trông như bị gậm nhấm. Nàng nhớ lại lũ chuột. Nàng bụng bảo dạ sáng ra phải nhớ nhắc Karl đặt bẫy chuột.

Những ngón tay lơi lỏng. Tập kịch bản rời ra. Nàng thả nó rơi xuống sàn. Ngớ ngẩn. Thật ngớ ngẩn quá! Một bàn tay lần mò tìm nút tắt đèn. Đó rồi. Nàng thở dài. Trong một lúc, nàng nằm bất động, chập chờn ngủ. Thế rồi nàng đưa một chân lười lĩnh đá tung chăn tung chăn đắp ra. Nóng như quỷ.

Một làn sương dịu khẽ khàng quyện lấy các khung kính cửa sổ.

Chris ngủ. Nàng mơ đến cái chết trong một cách thế đặc biệt muốn chóng mặt, cái chết như thể sự chết vẫn chưa hề được biết đến giữa lúc một cái gì đó vẫn rung lên như chuông, nàng há hốc mồm, tan chảy, trôi tuột vào sự trống không, trong khi tư tưởng cứ mãi trăn trở. Ta sắp chết, ta sẽ chết, ta sẽ không hiện hữu, mãi mãi, đời đời. Ôi, bố ơi, đừng để họ làm thế, đừng! Đừng để con biến thành hư vô mãi mãi và cứ tan chảy, cứ lơi lỏng ra, cứ rung rung như chuông...

Điện thoại!

Nàng nhổm dậy mà nhịp tim đổ hồi, tay cầm máy điện thoại mà bụng hẩng không còn chút trọng lượng, một cõi trung tâm không chút trọng lượng và máy điện thoại thì cứ réo vang.

Nàng trả lời. Viên phụ tá đạo diễn.

"Hoá trang sẵn sàng đúng sáu giờ, cưng".

"Được."

"Chị thấy người ra sao?"

"Nếu tôi vào phòng tắm và nó không thiêu cháy thì chắc là tôi tiếp tục được."

Anh ta cười khẽ "Gặp lại chị sau."

"Được rồi. Cám ơn anh."

Nàng gác máy. Trong hàng mấy khoảng khắc, nàng chỉ ngồi bất động suy nghĩ về giấc mơ kia. Một giấc mơ chăng? Tư tưởng giữa lúc nữa thức nữa ngủ thì nghe ra có lý hơn. Cái sự minh bạch, rõ ràng khủng khiếp ấy! Trạng thái không hiện hữu. Không thể đảo ngược được. Nàng không sao tưởng tượng được điều ấy. Chúa ơi, không thể như thế được.

Nàng cân nhắc, đắn đo. Rốt cuộc, nàng cúi đầu. Nhưng mà nó như thế.

Nàng vào phòng tắm, mặc chiếc áo dài, và lặng lẽ xuống bếp, xuống với cuộc sống trong tiếng dăm bông xèo xèo trên chảo mở.

"Ồ, xin chào bà MacNeil"

Willie, trong bộ đồ xám, uể oải, đang vắt cam, dưới mắt trễ tràng hai túi thịt xanh tái. Phát âm lơ lớ giọng Thụy Sĩ, giống như Karl. Chị lau tay vào một chiếc khăn giấy rồi đi ra bếp lò.

"Để tôi lấy cho, Willie" Chris rất nhạy cảm, đã trông thấy vẻ mặt mệt mỏi của Willie, lúc chị ta lầu bầu, quay trở lại bồn rửa chén. Người nữ diễn viên rót cà phê, xong di chuyển ra góc ăn sáng. Nàng ngồi xuống, mỉm cười hồn hậu lúc nhìn khay ăn. Một bông hồng đỏ thắm. Regan rồi. Đứa con gái thiên thần đó. Có lắm buổi sáng, lúc Chris đang làm việc, Regan thường rón rén tụt xuống giường, xuống bếp đặt một bông hoa rồi lại mắt nhắm mắt mở lần lối trở lại giường ngủ tiếp. Chris lắc đầu, thương xót. Nàng nhớ lại đã suýt đặt tên con gái là Goneril. Phải rồi, đúng quá đi chứ! Ngữ này thì chỉ là thứ phá gia chi tử thôi! Chris cười khẽ vì hồi ức đó. Nàng nhấm nháp cà phê. Lúc nàng ngắm lại bông hoa hồng, nàng chợt thoáng buồn, đôi mắt to, xanh, sầu muộn trên khuôn mặt giống như của đứa trẻ lạc loài. Nàng nhớ lại một bông hoa khác. Một đứa con trai, Jamis. Thằng bé đã chết lâu rồi, lúc mới lên ba, khi Chris còn rất trẻ và vẫn là một cô gái vô danh trong nhóm ca vũ ở Broadway. Nàng đã thề là sẽ không bao giờ còn xả thân tận tụy như nàng đã từng làm đối với Jamis cũng như đối với bố thằng bé, Howard MacNeil nữa. Nàng thôi nhìn bông hồng, và lúc giấc mơ từ cái chết của nàng từ tách cà phê bốc khói lên như làn sương mộng, nàng vội đốt một điếu thuốc. Willie mang nước trái cây ép đến và Chris nhớ lại lũ chuột. "Karl đâu?" nàng hỏi chị giúp việc.

"Tôi đây, thưa bà."

Phóng ra khỏi cửa phòng chứa thực phẩm thoăn thoắt như một con mèo. Đầy vẻ quyền uy, cung kính lễ phép. Năng động. Khép nép. Một mảnh khăn giấy Kleenex ép chặt vào cằm, chỗ anh ta vừa vô ý làm chảy máu khi cạo mặt. "Dạ, bà gọi". Bắp thịt săn rắn, cuồn cuộn, tiếng anh thở sát bên bàn. Đôi mắt long lanh. Mũi diều hâu. Đầu hói.

" Này Karl, trên rầm thượng nhà ta có chuột đấy. Nên kiếm mua vài cái bẫy đi."

" Có chuột ạ ?"

" Tôi mới nói đó".

" Nhưng rầm thượng sạch tươm ạ."

" À, tốt, vậy là nhà ta có lũ chuột sạch tươm chứ sao?"

" Không có chuột đâu ạ"

" Karl này, tôi đã nghe thấy tiếng chúng đêm qua." Chris kiên nhẫn nói, cố tự chủ.

" Chắc là ống nước." Karl thăm dò, "chắc là mấy tấm ván."

" Chắc là chuột! Anh có chịu đi mua hộ mấy cái bẫy khốn kíp và thôi lý sự cùn nữa được không?"

" Vâng, thưa bà," anh ta tất tả đi ngay. "Tôi đi đây."

" Không phải bây giờ, Karl. Các tiệm họ đóng cửa hết rồi!"

" Họ đóng cả rồi!" Willie quở.

" Để tôi đi xem."

Rồi anh ta đi.

Chris và Willte nhìn nhau, lắc đầu, rồi quay lại với món dăm bông. Chris nhấm nháp cà phê. Lạ lùng. Con người thật lạ lùng. Cũng giống như Willie, chăm chỉ, rất trung thành, kín đáo. Vậy mà ở anh ta vẫn có một cái gì đó, khiến nàng mơ hồ khó chịu. Cái gì vậy? Vẻ tự phụ tế nhị? Vẻ thách thức? Không, một cái gì khác cơ. Một cái gì đó khó mà xác định được. Cặp vợ chồng này đã ở với nàng gần sáu năm rồi, thế mà Karl vẫn là một chiếc mặt nạ - một chiếc mặt nạ biết nói, biết thở, một thứ chữ tượng hình không phiên dịch được - chuyên chạy việc vặt cho nàng với đôi chân đi cà khêu. Tuy thế, đàng sau chiếc mặt nạ, một cái gì đó chuyển động, nàng nghe được cả bộ máy của anh ta kêu tí tách giống như một lương tâm. Nàng dụi tắt điếu thuốc, nghe tiếng cửa trước mở két một tiếng, rồi đóng lại.

" Cửa tiệm đóng cả"

Chris nhấm nháp miếng dăm bông, xong quay về phòng riêng, mặc áo nịt len và váy vào. Nàng soi gương và trang trọng ngắm máy tóc đỏ của nàng, mái tóc trông bù xù muôn thuở, ngắm đám tàn nhan bộc phát trên gương mặt bé choắt của nàng, sau đó đảo mắt và cười ngờ nghệch. Nàng le lưỡi chế giễu mình trong gương. Rồi lơi lả người. Chúa ơi! Rõ chán mớ đời! Nàng nhặt lấy hộp tóc giả, lề mề xuống cầu thang và bước ra đường phố rợp bóng cây, tươi roi rói.

Nàng đứng bên ngoài nhà chốc lát, nín thở trước ánh ban mai. Nàng nhìn qua phải. Cạnh ngôi nhà một dãy bậc cấp bằng đá cũ kỹ đổ thật dốc xuống tận phố M. xa tít dưới kia. Xa hơn một chút là cánh cổng phía trên dẫn vào nhà chứa xe điện, vốn trước kia được dùng làm nơi chứa xe điện: nhà kiểu Địa trung Hải, lợp ngói, có những tháp nhỏ, cổ lỗ sĩ, gạch xưa. Nàng nhìn ngôi nhà với nỗi hoài mong... Từ đâu đó, có tiếng chuông đổ hồi. Nàng nhìn về hướng âm thanh. Tháp chuông đồng hồ Viện Đại học Georgetown. Tiếng chuông quạnh quẽ, ngân vang trên sông, run rẫy, lay lắt qua con tim mòn mỏi của nàng. Nàng bước đến nơi làm việc, đến với những trò đùa chữ nghĩa quái quỷ, đến với những món giả mạo rẻ tiền nhồi rơm đáng tức cười.

Nàng bước vào cổng chính trường Đại học, và nỗi chán chường trong nàng nguôi đi; càng nguôi ngoai hơn lúc nàng nhìn dãy phòng trang điểm đặt trên những cỗ xe rờ móc đậu dọc theo đường xe đến sát cạnh vách tường phía Nam của chu vi trường. Đến 8 giờ sáng, lúc bắt đầu quay những thước phim đầu tiên trong ngày, nàng đã gần như tươi tỉnh hẳn: nàng bắt đầu tranh cãi về kịch bản.

" Nè, Burke? Ngó sơ qua cái của chết bầm này một chút được chứ ?"

" Chà, cô có cả một kịch bản trong tay! Rõ ràng nhé, lý thú thật !"

Đạo diễn Burke Dennings, căng thẳng và tinh quái, mắt trái giật giật mà long lanh vẻ ranh mãnh, lấy mấy ngó tay run rẫy rọc, như thể bác sĩ giải phẫu, một rẻo nhỏ từ một trang kịch bản. "Tôi tin là mình gặm thứ này được," ông cười khằng khặc.

Họ đang đứng trên sân trước mặt Toà Viện trưởng và bị gút lại giữa phòng các tài tử, các chuyên viên ánh sáng, kỹ thuật viên, các vai phụ, các tay chạy hiệu. Rải rác đây đó vài khán giả trên sân cỏ, phần lớn là ban giáo sư Dòng Tên. Một số trẻ con. Chuyên viên quay phim, buồn chán, nhặt tờ Daily Variety lên xem ngay lúc Dennings đút rẻo giấy vào mồm và cưới khúc khích; hơi thở ông sặc mùi chầu rượi "gin" thứ nhất đầu ngày.

" Đúng, tôi vui kinh khủng khi thấy cô được trao một kịch bản."

Một con người mảnh khảnh, tinh quái, ở tuổi ngũ tuần, ông nói tiếng Anh với một phát âm chất phát, khỏe khoắn, đầy duyên dáng, lối phát âm thật nhanh và chính xác, đến nỗi ngay cả những từ tục tĩu, sống sượng cũng bay bổng đến mức lịch lãm. Còn cứ khi rượu vào, ông dường như lúc nào cũng chỉ những chực phát lên cười hô hố, om sòm, dường như cứ phải phấn đấu không ngừng để giữ cho được bình tĩnh.

" Nào, cô bé, bây giờ nói đi. Có chuyện gì vậy? Có gì không ổn nào ?"

Cái cảnh họ đang bàn đến đòi hỏi vị khoa trưởng phân khoa huyền thoại học trong kịch bản ngỏ lời trước đám sinh viên đang tụ tập, nhằm cố dẹp tan một cuộc biểu tình ngồi lì đang có nguy cơ diễn ra. Trong kịch bản, lúc đó Chris sẽ chạy lên bậc cấp dẫn lên sân, giằng chiếc loa phóng thanh trên tay vị khoa trưởng, rồi chõ về phía Toà Viện trưởng mà hô lớn, "Giật sập Toà nhà ấy xuống đi."

" Chỗ này chả ra ý nghĩa gì cả," Chris bảo.

" Ồ, nó rõ như ban ngày rồi còn gì," Dennings phịa.

" Việc quái gì họ phải phá sập cái toà nhà ấy xuống chứ, hở Burke? Để làm gì chứ?"

" Cô định kết án tôi sao?"

" Không, tôi chỉ hỏi "để làm gì?" thôi."

" Bởi vì toà nhà đó nó ở đó, chứ sao cưng?"

" Trong kịch bản ấy à?"

" Không, ở trên sân ấy chứ?"

" Hừ, nó chả có nghĩa lý gì cả, Burke ạ. Đơn giản là cô ta đừng làm thế mới phải."

" Cô ta làm chứ."

" Không, cô ta không làm đâu."

" Ta có cần mời tác giả kịch bản đến không? Tôi chắc anh ta đang ở Paris."

" Trốn ở đó à?"

" Đ... gái!"

Ông ném cái tiếng đó ra gọn bân không chê vào đâu được, đôi mắt tinh như cáo, long lanh trên bản mặt như bột nhồi bánh, lúc cái tiếng ấy vút dòn dã đến tận các tháp nhọn kiểu gô tích, Chris lịm trên vai ông: " Ôi, Burke, anh là đồ quỷ sứ đâu không ấy!"

" Phải." Ông ta nói cứ y như lúc César khiêm tốn xác nhận những báo cáo rằng ông ta ba lần từ chối ngai vàng. " Nào, bây giờ ta tiếp tục kịch bản được chứ?"

Chris không nghe thấy. Nàng ném một cái nhìn len lén, bối rối về phía một tu sĩ Dòng Tên đứng cạnh đó, xem thử ông ta có nghe được cái tiếng tục tĩu kia không. Một khuôn mặt quàu quạu, ngăm đen như khuôn mặt một võ sĩ quyền anh. Tuổi trạc tứ tuần. Có một vẻ gì buồn thảm nơi ánh mắt, một vẻ gì đau đớn. Tuy nhiên, ánh mắt ấy lại ấm áp và đầy khích lệ lúc chúng dán lấy ánh mắt nàng. Ông ấy đã nghe thấy rồi. Ông đang mỉm cười. Ông nhìn đồng hồ đeo tay rồi dời bước.

" Tôi bảo là ta có tiếp tục kịch bản ấy hay không đây?"

Nàng quay lại, ấp a ấp úng. " Ồ, có chứ, Burke. Ta tiếp tục chứ."

" Tạ ơn Trời."

" Khoan, đợi đó đã."

" Trời đất!"

Nàng than phiền về lời thoại ở cuối lớp cảnh. Nàng có cảm tưởng là cao điểm đã đạt tới được ở lời thoại của vai nàng nay đâm ra lại chỏi với cảnh nàng chạy qua cửa sổ toà nhà kia ngay sau đó.

" Điều đó chẳng thêm thắt được gì cả." Chris bảo " Ngớ ngẩn quá."

" Phải, đúng vậy, đúng vậy đó, cưng ạ." Burke chân thành biểu đồng tình. " Tuy nhiên chuyên viên cắt cúp đòi hỏi chúng ta phải diễn như vậy." Ông nói tiếp, " nên ta làm. Cô thấy chưa?"

"Không, chả thấy gì cả."

" Không, dĩ nhiên là không rồi. Nó ngu ngốc quá. Cô thấy đó, vì lớp cảnh tiếp theo sau," ông ta cười hì hì " bắt đầu bằng động tác của Jed đi về hướng chúng ta qua một cái cửa, do đó chàng cắt cúp nhà ta cảm thấy chắc ăn nếu đề nghị cảnh trước đó kết thúc bằng động tác cô bỏ đi cũng qua một cái cửa."

"Thế thì ngu ngốc quá!"

" Thì hẳn vậy rồi! Thật đáng lộn mửa! Thật điên rồ như cái đồ l... què ấy. À này, sao bây giờ ta lại không cứ quay cảnh đó rồi giao nó cho tôi, tôi sẽ găm đoạn đó ra khỏi lần cắt cúp cuối cùng. Nhai món đó chắc là phải ý vị lắm."

Chris cười lớn và tán thành. Burke liếc sang chàng chuyên viên cắt cúp, một anh chàng nổi tiếng "ta đây là nhất" với tính tình bất thường, khoái tranh cãi mất thời giờ. Anh ta đang bận bịu bên chuyên viên quay phim. Nhà đạo diễn thở phào nhẹ nhõm.

Chờ đợi trên sân cỏ ngay dưới chân bậc cấp lúc đèn đóm nóng rực, Chris nhìn Denings khi ông đang văng tục tưới hột sen lên đầu một anh chàng chạy hiệu không may, rồi sau đó mặt mày ông hí hửng trông thấy. Có vẻ như ông ta lấy làm khoái vì cái nết kỳ quặt trái tính của mình. Vậy mà ở một thời điểm nào đó lúc đang nốc rượu, Chris quá rỏ, ông thường bất ngờ nổi giận đùng đùng, và nếu như tình cờ lúc đó lại là ba, bốn giờ sáng, ông ta liền gọi điện thoại cho các nhân vật tai to mặt lớn rồi nhục mạ họ thậm tệ chỉ vì những lời khiêu khích con con chẳng đáng chi. Chris nhớ lại vụ một giám đốc phim trường. Ông này chỉ có mỗi một tội là trong một lần quay phim, ông có nhẹ nhàng bình luận rằng đôi tay áo sơmi của Dennings trông hơi sờn, thế là Dennings liền đánh thức ông ta dậy lúc 3 giờ sáng để gọi ông ta là "thằng cù lần mặt l.." con của một "lão dở điên dở khùng"! Thế rồi ngày hôm sau, ông cứ vờ như bị chứng mất trí nhớ và mặt mày cứ tươi hơn hớn vì khoái trá khi những kẻ bị ông nhục mạ thuật lại chi tiết những điều ông đã làm. Dù vậy, nếu cái gì ông thấy khoái, ông vẫn cứ nhớ được như thường. Mỉm cười, Chris nhớ lại cái đêm mà ông đập nát cả dãy văn phòng của phim trường trong cơn giận hoảng vô tâm và được nung đốt bằng men rượu gin, và thế nào sau đó, khi đối diện với bảng hoá đơn liệt kê chi tiết từng món cùng các tấm ảnh Polaroid ghi lại toàn vẹn sự thiệt hại, ông ranh mãnh gạt các món đó qua một bên với nhận xét "toàn là đồ bịa đặt, sự thiệt hại còn tồi tệ hơn thế xa lắc tí tè!" Chris không tin Dennings uống rượu vì nghiện hay vì một vấn đề tuyệt vọng nào, mà đúng hơn ông ta uống vì thiên hạ tin rằng ông ta như vậy: ông sống cho đúng với huyền thoại của chính mình.

À mà, nàng suy nghĩ, ta đoán đây cũng là một thứ bất tử đây.

Nàng ngoái lại nhìn người tu sĩ Dòng Tên lúc nãy vừa mỉm cười. Ông đang bách bộ ở đàng xa, đầu cúi thấp, chán chường, như một áng mây đen cô độc đang tìm kiếm một cơn mưa.

Nàng không bao giờ ưa nổi mấy tu sĩ. Họ quá tự tin. Quá an nhiên. Vậy mà người tu sĩ này...

" Sẵn sàng chưa, Chris ?" Dennings hỏi.

" Vâng, sẵn sàng"

" Tốt, tuyệt đối yên lặng!" Viên phụ tá đạo diễn lên tiếng.

" Chuẩn bị quay." Burke phát lệnh.

" Tốc độ."

" Bắt đầu!"

Chris chạy lên bậc cấp giữa tiếng hoan hô của các vai phụ, còn Dennings ngắm nàng tự hỏi không biết nàng đang nghĩ gì. Nàng đã bỏ qua cuộc tranh luận quá sức mau. Ông ném một tia nhìn ý nhị về phía chuyên viên đối thoại, anh này riu ríu bước đến bên ông trình lên một kịch bản mở sẵn, giống như một đứa trẻ giúp lễ dâng sách kinh lên cho vị thầy cả trong buổi lễ trọng.

Họ làm việc trong ánh nắng gián đoạn. Lúc bốn giờ, mây vần vũ kéo đến nhuộm đen cả bầu trời, phụ tá đạo diễn cho đoàn phim giải tán.

Chris đi bộ về nhà. Nàng mệt mỏi. Tại góc đường Ba Mươi Sáu và đường O, nàng dừng lại cho chữ ký một anh bán hàng tạp hoá người Ý sồn sồn lúc anh ta đứng ở cửa hiệu chào đón nàng. Nàng viết tên nàng và dòng chữ "Gửi Đến Bạn Những Lời Chúc Nồng Hậu Và Tốt Đẹp Nhất" lên một túi giấy màu nâu. Lúc đứng chờ qua đường, nàng liếc chéo sang con phố về phía một giáo đường Công giáo. Giáo đường Thánh gì gì đó. Giáo đường này do các linh mục Dòng Tên cai quản. Nàng nghe nói John F. Kennedy đã làm lễ hôn phối với Jackie tại đó. Tổng thống thường đến xem lễ ở đó. Nàng cố tưởng tượng ra cảnh họ: Tổng thống John F. Kennedy giữa các nến đèn tạ và các bà già nhăn nheo, kính tín. John F. Kenney cuối đầu cầu nguyện: Tôi tin... một tình hình hoà dịu với người Nga: tôi tin, tôi tin... Appolo IV giữa tiếng lần tràng hạt loạt soạt: tôi tin... sự sống lại và sự sống đời đời.

Đúng rồi. Đúng nó rồi. Đúng là cái điều đã nắm bắt chiếm đoạt lấy ta đây!

Nàng cứ nhìn lúc một xe tải chở bia rầm rập chạy qua với tiếng lanh canh của những lời hứa hẹn nồng nàn, ướt át.

Nàng qua đường. Lúc nàng thả dốc xuống phố O và đi qua thành đường của ngôi trường tiểu học, một linh mục từ phía sau sấn sổ vượt qua nàng, hai tay ông ta thủ trong túi áo gió bằng ni lông. Còn trẻ. Rất căng thẳng. Râu ria tua tủa. Dấn lên phía trước mặt, ông ta rẽ phải, ngoặc vào một ngõ mở vào sân sau của ngôi nhà thờ.

Chris dừng lại bên ngỏ đó, nhìn vị linh mục, tò mò. Hình như ông ta đang đi đến một túp nhà nhỏ sơn trắng. Một cánh cửa lùa cũ kỹ "kịch" mở và lại thêm một linh mục khác ra. Ông này có vẻ ủ dột, bứt rứt lắm. Ông gật đầu cộc lốc về phía người trẻ tuổi, và đôi mắt cứ cúi gầm, ông di chuyển lẹ làng đến cánh cửa dẫn vào bên trong giáo đường. Lại một lần nữa, cánh cửa túp nhà nhỏ từ bên trong mở ra. Lại một linh mục nữa. Hình như - À, đúng rồi, chính là người tu sĩ đã cười lúc Burke văng tục đây mà! Duy có điều lúc này, trông ông thật nghiêm túc khi khẽ chào người mới đến. Tay ông quàng vai người trẻ tuổi trong một cung cách dịu dàng và ít nhiều giống như của một người cha. Ông đưa người trẻ vào bên trong và cánh cửa lại đóng lại với một tiếng "kít" khe khẽ .

Chris nhìn đăm đăm xuống giày nàng. Nàng bối rối. Họ làm gì vậy kìa? Nàng thắc mắc không hiểu có phải các tu sĩ Dòng Tên ấy đến xưng tội hay không.

Có tiếng sấm rền rĩ. Nàng ngước nhìn trời. Mưa chăng? Mấy tia chớp cắt ngang dọc khung trời ở phía xa.

Nàng kéo cổ áo choàng rồi thong thả đi tiếp. Nàng những mong trời sẽ mưa như trút nước.

Một phút sau, nàng đã về đến nhà rồi. Nàng lao ngay vào phòng tắm. Xong, nàng xuống bếp.

" Chào Chris, mọi chuyện ra sao?"
Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Bạn chấm truyện được mấy điểm!
loading...
DMCA.com Protection Status