Truyện đã xóa

Chương 42

Làm màu chạy thoăn thoắt ra khỏi nhà như một nữ chính ngôn tình nhưng tiếc là chẳng có nam chính ngu si nào chạy theo, tôi không biết đi đâu, chỉ đành đứng thẫn thờ ở bụi chuối cạnh ao, ngẩn ngơ xé lá chuối, lòng âm thầm rỉ máu. Thế mới nói, muốn đóng phim cũng phải có đứa phối hợp cùng mới được.

Xé lá chuối mỏi tay, tôi quyết định mặt dày về nhà, rủ anh Tùng đi chơi cho bõ ghét. Mới lê được vài bước đã gặp thằng Hữu từ hướng nhà bà ngoại hộc tốc xông ra, nhìn thấy tôi mắt nó sáng rỡ lên như mèo thấy mỡ, lập tức chạy đến cầm tay tôi lắc lắc:

- Chị chui ở cái xó nào để em tìm mãi.

- Ơ cái thằng này hay nhỉ, tao ra đây hóng gió ngắm cảnh mà mày kêu chui xó là sao? - Tôi cau mày tỏ vẻ không hài lòng, muốn giật tay ra khỏi tay nó nhưng không đủ sức.

- Đi thôi. - Thằng Hữu bỏ qua sự khó chịu của tôi, hớn hở nói, cứ như hai đứa đã có kế hoạch với nhau từ trước rồi vậy.

- Đi? Đi đâu? Mày định đưa tao đi bán thận đấy à? - Tôi nhăn mặt nhíu mày, muốn giằng tay ra nhưng không thoát nổi, cái thẳng ẻo lả này trông thế mà khỏe phết.

- Thận thủng gì? Ai mà thèm cái thận hư của chị? Đi xem chó cơ mà, lúc trưa đã nói rồi mà. Thế có đi không?

- Ơ, có chứ có chứ, mày phải nói chị mới biết, tự nhiên kéo người ta đi.

Tôi nói rồi cười hi hi, cứ thế đi theo thằng Hữu sang nhà của nó. Thằng Hữu khoe chó của nó là chó Tây, giống Husky, phải nhờ mua tận trên thành phố chuyển về. Hồi đầu cũng ỏn ẻn dễ mến lắm mà không hiểu sao càng lúc càng nghịch như quỷ sứ, đã thế còn suốt ngày đi chơi với trai. Dàn chó đực trong xóm con nào con nấy từ to đến bé dường như đều qua tay con quỷ sứ này. Thật đúng là xứng danh "chó ngành". Có nó, bảo sao con Lu nhà bà ngoại lại ế chổng mông ra thế kia.

Tôi vui vẻ hỏi thằng Hữu con chó nhà nó tên gì. Thằng nhỏ quẹt mũi, có chút ngượng ngùng, trả lời cụt lủn: "Chó", khiến tôi tí thì tiện tay vả cho nó một phát. Cạnh nhà đã có ông cụ hàng xóm đặt tên cho con mèo là "Mèo" rồi, giờ lại đến lượt thằng này. Một đứa không giỏi giang gì cho cam như tôi cũng phải hết sức quan ngại cho trình độ văn vẻ của nó.

Chỉ đến khi nó dẫn tôi đi xem mấy con chó con do "Chó" sinh được, tôi mới nhận ra mình sai rồi, trình độ văn vẻ của thằng Hữu không phải đáng lo ngại mà là khuyết tật ngôn ngữ luôn rồi.

- Bố em bị cắn chết hai con chim bồ câu nên bắt em đem cho bớt hai con rồi. Giờ chỉ còn lại ba đứa thôi.

- Cái gì, mới trưa nay vẫn còn 5 con mà, sao cho đi nhanh vậy?

- Chậc, thì thế, lôi được con "Chó" về, em đã ôm chân bố khóc lóc cầu xin, bố em không những không tha còn nổi giận đùng đùng đem hai con chó con đi cho ngay lập tức. Haizz, ông già nhà em đúng là...

- Mày cầu xin cái kiểu gì vậy? - Tôi nhăn mày, có chút không tin tưởng vào khả năng đàm phán của thằng Hữu.

- Thì có gì đâu, em chỉ bảo là... - Thằng Hữu nhíu mày, như để nghĩ lại rồi thản nhiên nói nốt. - "Con xin lỗi vì đã để Chó đã cắn nát chim của bố, mong bố hãy tha thứ cho con và Chó". Đấy, thành tâm thế mà...

Tôi nghiến răng, run rẩy nói không thành lời, rốt cục quyết định im lặng, đi theo nó ra chuồng chó, âm thầm cảm thấy thương thay cho bố thằng Hữu, hẳn chú ấy đã bị thằng trời đánh thánh vật này đả kích dữ lắm.

- Ui chù chù, xinh quá đi mất. Đặt tên chưa vậy mày? - Tôi sà xuống cạnh chuồng chó, vừa nựng mặt ba con chó con vừa vui vẻ hỏi.

- Rồi ạ hi hi - Thằng Hữu đáp, vẫn là cái giọng ngượng ngùng ấy khiến tôi bất giác rùng mình, chưa kịp ngăn thì nó đã hùng hồn điểm mặt chỉ tên từng con. - Con này là Tai, con này là Mông, còn con này tên... Cu.

- ...

- Sao thế? - Nó khẽ chớp mắt, nhìn tôi hỏi.

- Tại sao? - Tôi run run hỏi, phải cố lắm mới ngăn được bản thân không vươn tay túm tóc úp mặt nó xuống đất. Tại sao? Tại sao lại đặt cho những con chó xinh xắn kia những cái tên thô tục đến vậy!

- Thì có sao đặt vậy mà. - Thằng Hữu bày ra vẻ mặt ngây thơ, trả lời. - Con này tai to nên đặt tên là Tai, con này mông bự thì đặt tên là Mông, toàn mấy cái tên dễ gọi, tên thế mới lớn nhanh được. Chị không nghe các cụ bảo đặt tên hay quá quỷ nó bắt à?

- Thế còn con này? Đừng nói với tao là vì cu to...

- À không, con này cu bé tí ấy mà, có điều một mình nó là đực, một mình nó có cu nên đặt luôn thế. Ban đầu em định đặt là Chim cho nó dễ thương hơn cơ, mà sợ động đến nỗi đau mất chim của bố nên lại thôi... - Nói xong thì ngoác mồm cười hô hố. Đúng là...

Tôi hít một hơi thật sâu, nuốt nước mắt gượng cười vuốt ve ba con cún nhỏ, vuốt luôn cả con "Chó" đang nằm gáy như lợn ở bên cạnh, cảm thấy thương thay cho số phận hẩm hiu của mấy đứa nó khi có một tên chủ vô lương tâm như vậy. Chỉ nghĩ đến việc con cún xinh xắn kia mỗi lần bị gọi bằng cái tên thô tục "Cu" mà vẫn phải hớn hở tung tăng chạy đến là tôi lại thấy đau thắt ruột gan, quặn từng khúc ruột. Thôi thì biết làm sao, chó là chó của nó mà!

...

Ngắm chó chán chê, thằng Hữu rủ tôi ra hồ sen nhà bác nó chơi. Bác nó là một người đàn ông trung niên, tuổi ngoại tứ tuần nhưng trông vẫn còn khá trẻ, vô cùng hiền lành và dễ tính. Không những cho chúng tôi ăn bát sen thỏa thuê, còn rảnh rỗi chèo thuyền chở hai đứa đi ngắm hoa trong hồ. Non xanh nước biếc, hoa đua sắc thắm, thậm chí tôi còn thấy một cặp vợ chồng đang chụp ảnh cưới ở đây.

- Bao giờ muốn chụp ảnh cưới. Cứ ra đây mà chụp, bao đẹp luôn. - Thằng Hữu nhìn khuôn mặt đê mê trong cảnh đẹp của tôi, cười hí hửng, vừa nói vừa thả vào tay tôi một nắm hạt sen đã bóc sẵn.

Tôi nhai hạt sen rau ráu, gật gù cho nó một nụ cười vui vẻ rồi tựa lưng vào thành thuyền, ngửa đầu ngắm trời xanh, cảm thấy trong lòng chợt bình yên đến lạ. Có lẽ, tôi cần một cuộc nói chuyện hẳn hỏi với hắn, thay vì cứ giận dỗi như một đứa trẻ con thế này.

...

Khi tôi và thằng Hữu chân xắn quần đi bộ về nhà thì đã trời đã sẩm tối. Tiếng ve, tắc kè và một loạt tạp âm khác thi nhau vang lên, rộn ràng cả một đoạn đường quê yên bình. Gần đến cổng nhà ngoại, thằng Hữu chợt dúi vào tay tôi bó sen thơm ngát và cái giỏ đựng đầy bát sen rồi vội chạy biến đi, chẳng kịp để tôi nói câu cảm ơn, chỉ nghe tiếng nó lí nhí vang lên, len lỏi trong những tiếng kêu của côn trùng xung quanh:

- Cho chị, phí dạy thêm.

Tôi ngẩn người rồi bật cười nhìn theo nó, vui vẻ nhảy chân sáo đi vào cổng. Đây có thể tính là chút tiền lương đầu tiên trong cuộc đời tôi không nhỉ? Cũng giá trị ra phết, tí nữa phải vòi bà nấu chè sen cho mới được.

Đang thả hồn vào những chiếc bát sen thơm ngon, tôi đột nhiên cảm thấy có chút lạnh gáy như thể đang bị một thế lực hắc ám theo dõi. Vội vàng ngẩng đầu lên, tôi tí thì ném luôn bó hoa và giỏ đựng bát sen xuống đất khi bắt gặp ánh mắt lạnh lẽo và sắc bén như mắt sói của hắn. Nếu ánh mắt có thể giết người, có lẽ tôi đã phải xuống âm phủ chơi cờ với diêm vương từ ban nãy rồi.

Hắn đứng tựa vai vào chiếc xích đu trong sân, cả người chìm trong cái bóng cây nhãn, lặng thinh như một con báo đen đang đợi mồi, cả người tĩnh lặng chỉ có đôi mắt sắc lạnh là đang hoạt động, đảo quanh người tôi như muốn róc từng miếng thịt. Suy nghĩ này khiến tôi có chút bủn rủn cả chân tay, há mồm ra lại ngậm mồm lại, phân vân không biết nên gào lên mắng hắn như mọi khi hay nói một cái gì đó để phá vỡ bầu không khí có chút quỷ dị này.

Có cảm giác như mối quan hệ giữa tôi và hắn đột ngột trở nên xa cách đến lạ, lúc này đây tôi chẳng thể ngoạc mồm ra mắng hắn là đồ thần kinh như trước. Chỉ còn lại đây, chút ngượng ngùng và sự giận dỗi khó nói.

Tôi mím môi, khe khẽ thở hắt ra một hơi, mở miệng định nói chuyện nhưng hắn lại không cho tôi cái cơ hội ấy, hung dữ trừng mắt một cái rồi quay ngoắt người bỏ đi.

Tôi ngẩn người, nhìn theo bóng hắn mà tức muốn phun cả lửa, bực bội vung chân đá bay mấy cái lá nhãn lạo xạo dưới chân, không nhịn được chửi đổng ra miệng:

- Cái đồ thần kinh dẫm phải đinh. Mắc chứng gì không biết.

Ở quê có thói quen ăn tối khá sớm, chưa 6 giờ mà khắp ngõ ngách đã đượm mùi khói bếp. Khi tôi lếch tha lếch thếch bước vào nhà thì mọi người đã tập trung gần như đông đủ trong phòng bếp để dọn đồ ra mâm, chuẩn bị cho một bữa tối thịnh soạn.

Tôi tự động bỏ qua cái nhíu mày, chép miệng không chút hài lòng của anh Tùng cùng khuôn mặt nặng như chì của hắn, cầm hoa sen và bát sen hớn hở đi đến chỗ bà ngoại đang ngồi móm mém nhai trầu, ồn ào lên tiếng, cố gắng để mọi người quên đi cái tội mải chơi đến quên lối về của mình:

- Bà ơi, bà ơi hôm nay con ra chỗ hồ sen của bác Vĩnh chơi, được bác cho một đống bát sen này. Mai bà nấu chè sen cho con ăn nhé!

- Hừ, Có mà trai cho chứ bác nào cho.

Tiếng hừ nhạt cùng một giọng nói đầy chế nhạo vang lên, cắt ngang lời tôi. Không cần quay lại, tôi cũng biết chủ nhân của câu nói kia là ai. Khẽ nghiến răng trèo trẹo, tôi phớt lờ sự mỉa mai của hắn, híp mắt cười với bà ngoại:

- Bà nhé!

- Úi chà, bát sen to nhỉ. - Bà tôi với tay sờ sờ mấy cái bát sen, gật đầu cười móm mém. - Được rồi, để mai bà nấu cho mà ăn, ngọt với mát lắm, thêm chút đài sen rải lên trên thì càng thơm.

Nhỏ Hạnh đang mang chén bát từ tủ ra, thấy thế vội vàng sà xuống cạnh tôi, cầm bó hoa sen lên, giọng nói không khỏi có chút oán hận:

- Ao sen của bác thằng Hữu hả chị Dương? Hôm nay chị đi cùng nó à?

- Ừ, chiều nó rủ đi xem chó con mới đẻ, xong tiện ra ao sen chơi.

- A, cái thằng cờ hó này, thế mà lần nào em đòi ra chơi nó cũng không cho, xin bông hoa thôi cũng kẹt xỉn. Đúng là phân biệt đối xử.

- Hữu dạo này có vẻ thân với chị Dương ghê nhỉ. - Nhỏ Hân rửa hoa quả xong thì quay lại bàn, ngồi xuống, nhìn tôi cười tủm tỉm.

- Thì tại ngày nào tao cũng phải rát tai bỏng họng vì trình độ ngu học của nó, trả công là phải rồi ha ha... - Tôi vừa phân bua, vừa len lén liếc khuôn mặt có phần xám xịt của hắn, khẽ gượng cười, vội vàng cầm hoa và bát sen đi cất, cảm giác như có đôi mắt sắc lẹm vẫn luôn bám theo mình.

Không khí bữa cơm tối rõ ràng tốt hơn rất nhiều so với buổi trưa. Ông tôi sắc mặt hòa hoãn, đôi mắt ánh lên vẻ hiền từ, nếu không muốn nói là có chút vui vẻ. Thậm chí thỉnh thoảng ông còn ngẩng đầu lên, cho tên Thành Đông một cái nhìn đầy tán thưởng, cái nhìn mà hiếm lắm mới được thấy ở một ông giáo già khó tính như ông ngoại.

Mấy anh em tôi không hẹn đều quay sang nhìn nhau, tỏ vẻ không hiểu nổi. Chẳng rõ sau bữa trưa hắn đã ỉ ôi gì để ông thay đổi thái độ như vậy. Chỉ bằng việc đi nhuộm lại tóc thôi ư? Không đời nào!

- Lúc trưa quên không hỏi, Đông chơi cờ tướng được chứ cháu? - Đang ăn uống ngon lành, ông tôi chợt phá lệ lên tiếng hỏi, khiến cả mấy đứa cháu được phen trợn trừng mắt ngạc nhiên.

- Dạ có ạ, ở nhà cháu cũng hay chơi với ông cụ trong xóm. - Hắn có chút hấp tấp, vội đặt bát xuống bàn, thành thật đáp.

Tôi nghe mà không khỏi bĩu môi, đánh cờ cái gì, toàn lấy cớ sang sờ ti mèo thì có. Bệnh hoàn thành thói mà cứ làm như mình là thành phần tri thức, sống lành mạnh lắm.

- Ừm, thế tốt quá. Hôm nay trăng sáng, lát bê bàn ra ông với mày làm ván cờ. Thử tay nghề xem thế nào. Chứ chơi với thằng Tùng chán quá, tí đã gật gà gật gù. - Ông tôi chậm rãi nói, khẽ lắc đầu chép miệng khi nhắc đến thói xấu của thằng cháu mình.

Tôi mím môi, nhìn khuôn mặt đang cười ngượng nghịu của anh Tùng, trong lòng lại âm thầm khinh bỉ. Anh Tùng nhà tôi có thể chong đèn đọc sách đến tận 1, 2 giờ đêm mới đi ngủ, làm gì có chuyện mới đầu tối đã gật gù, giả vờ giả vịt để trốn thì có.

- Cái ông này, suốt ngày chỉ cờ với cá, để cho cháu nó ăn. - Bà tôi khẽ lườm ông một cái, vươn tay gắp cho hắn một miếng cá đã róc xương, không nhịn được lại vui vẻ hỏi. - Đấy, tóc tai gọn gàng nhìn đẹp trai hẳn. Thế lớn bằng từng này đã có người yêu chưa cháu?

Nghe nhắc đến chuyện này, trán ông tôi tự động nhăn lại, có vẻ không mấy hài lòng với chủ đề bà khơi ra

- Dạ ha ha... Cháu đã làm gì có người yêu, cháu còn đang sợ ế đây này.

Hắn đang định ăn lại vội vàng dừng đũa, đặt bát xuống bàn, cười có chút ngượng ngùng, học theo bài ca của chị "Nguyệt thảo mai" khiến mấy đứa tôi tí thì phì cơm ra khỏi mồm.

Mắt bà tôi có chút sáng lên, dường như cảm thấy vô cùng hứng thú trước đề tài này, vui vẻ hỏi tiếp:

- Có thật không? Thế thấy mấy đứa cháu của bà thế nào? Thích làm rể lớn hay rể bé.

Câu hỏi hệt như lời nói đùa hôm nào của bố khiến tôi và anh Tùng không hẹn cùng phì cơm ra ngoài. Có điều anh ấy tao nhã hơn, chỉ phun cơm ra đằng miệng, còn tôi thì sặc lên tận mũi, phun thẳng ra hai đường. Nhìn hai đứa cháu của mình, ông tôi không khỏi nhíu mày lắc đầu, không hài lòng lên tiếng giáo huấn:

- Hai cái đứa này, ăn uống sao lại bất lịch sự thế kia.

Tôi vội vàng lau miệng sạch sẽ, nhe răng cười ngượng ngùng, mắt lại lén lút liếc hắn, lòng không khỏi có chút hồi hộp, nhớ đến câu trả lời lần trước của hắn, đột nhiên có chút mong chờ. Không biết lần này hắn sẽ nói gì...

- ... Ha ha, cháu chắc gì đã có cửa ạ. Mấy cô bây giờ toàn thích trai trẻ, phi công lái máy bay bà già mới kích thích. - Đáp lại những chờ mong của tôi, hắn chậm rãi đáp, ngữ điệu thì bình thường nhưng nghe sao cũng giống như đang mỉa mai công kích người nào đó. Mà dĩ nhiên người đấy ngoài tôi ra còn ai.

Kỳ vọng bị tạt gáo nước lạnh, tôi có chút nổi giận, không nhịn được, nhếch miệng mỉa mai đáp trả:

- Trai trẻ dĩ nhiên phải thích hơn rồi, vừa ga lăng vừa nhiệt huyết lại chân thành. Có như người nào đó, khó tính, khó nết, khó ở, khó chiều.

- Ờ, chân thành lắm, đến lúc nó chơi chán lại chả đá bay như quả bóng. Toàn giỏi mơ mộng viển vông.

- Cũng còn hơn cái kiểu sáng nắng chiều mưa tối đong đưa triều cường.

...

Cuối cùng, anh Tùng đã phải ho khù khụ như mắc bệnh lao để ngăn cản cuộc chiến không hồi kết của tôi và hắn. Rốt cục, bữa cơm đã kết thúc trong mùi thuốc súng nồng nặc như vậy đấy.

Thẫn thờ bò lên phòng, bỏ lại hai cái bóng của hắn và Hân đang ríu rít ở phía sau, tôi vừa giận hắn lại cũng tự trách mình. Giận hắn tại sao lại đối xử với tôi như vậy, cũng trách mình trẻ con, rõ ràng đã muốn trò chuyện cẩn thận với hắn, rốt cuộc lại thành cãi nhau.

Nằm ngửa đầu trên giường nhìn trần nhà trắng hếu có hai con thạch sùng đang sánh bước bên nhau, tôi buồn bực vắt tay qua mắt, đột nhiên tôi cảm thấy lời tuyên bố sẽ không thèm yêu thằng nào hết lúc trước của mình mới ngớ ngẩn làm sao. Thế giới không có tình yêu, có lẽ sẽ buồn chán và cô đơn lắm.

Chẳng biết nằm được bao lâu cho đến khi ông trăng ngoài kia đã lên đến tít ngọn tre, sáng vằng vặc rọi cả vào mặt tôi, thì nhỏ Hân chợt đẩy cửa bước vào phòng. Nó soi gương, chải đầu và làm một số chuyện gì đó, tôi vẫn cứ nằm đực ở đấy không quan tâm, có lẽ... là đi hẹn hò với hắn chăng? Tôi đoán rồi thầm cười chính mình.

Nhỏ Hân chuẩn bị xong thì kéo cửa định đi ra ngoài, rồi như chợt nghĩ tới điều gì, nó đột nhiên dừng bước, quay đầu lẳng lặng nhìn tôi, nhỏ giọng hỏi:

- Chị giận em đấy à?

- Làm gì có, mày nghĩ nhiều rồi. - Tôi vẫn không nhìn nó, im lặng một lúc rồi mới lên tiếng, giọng nói có chút khàn khàn.

- ... Đừng có trách em. Nếu... nếu anh Đông có đi mất thì cũng là do chị không biết trân trọng thôi.

Nó ngập ngừng nói rồi kéo cửa đi mất, để lại tôi vẫn nằm ngay đơ trên giường, trong đầu mòng mòng với những suy nghĩ lung tung. Tôi không biết trân trọng sao? Tôi đã làm gì kia chứ? Vì tôi lắm mồm khuyên hắn sai cách nên bây giờ xứng đáng bị đối xử như vậy? Có trời mới biết lòng tôi vừa hối hận vô ngần lại vừa ấm ức đến phát điên. Rõ ràng, tôi đâu có cố ý, hắn biết mà, phải không?

Ngẩn ngơ một lúc lâu, tôi đột nhiên bật người dậy, lao thẳng xuống nhà, suýt thì đâm vào nhỏ Hạnh đang hớn hở chuẩn bị đi lên tầng. Thấy nó, tôi vội vàng dừng lại hỏi, giọng có chút hốt hoảng:

- Mày có thấy nhỏ Hân và anh Đông đâu không?

- Hả? À hai người đi dạo rồi, hình như ra đồng sao ấy.

Tôi gật đầu, vội chạy đi, còn nghe tiếng con nhỏ bất mãn vang lên sau lưng:

- Chị định ra đấy làm gì, để không gian riêng cho hai người họ chứ. Trời ơi chị Dương...

Tôi không nghe lọt tại, cứ thế cắm đầu chạy, vừa đi vừa nhịn xuống cảm giác da gà da vịt nổi toàn thân. Đi dạo gì mà ra đồng, ma chơi ma cỏ đầy ngoài đấy, đúng là hai đứa thần kinh mà.

Nhưng tất cả những sợ hãi lo lắng ấy đã bay biến không chút dấu vết khi tôi bắt gặp hình ảnh Hân đang ôm chầm lấy hắn, cả người có chút run rẩy, còn hắn thì dịu dàng dùng bàn tay to lớn của mình vỗ nhè nhẹ vào lưng nó.

Đầu tôi như muốn nổ ầm một tiếng, bên tai lại văng vẳng giọng nói nhẹ nhàng của nhỏ Hân: "Đừng có trách em. Nếu... nếu anh Đông có đi mất thì cũng là do chị không biết trân trọng thôi"

....

---------------

Mấy ngày tới tớ đi du lịch nên cố sửa rồi đăng sớm không lại lỡ hẹn với mọi người. Chúc vui nhé! ^^

Bạn có thể dùng phím mũi tên trái/phải để lùi/sang chương.
Đánh giá: 8.5 /10 từ 55 lượt.
loading...
DMCA.com Protection Status